CÔNG BỐ TÁC PHẨM SÂN KHẤU VỞ DIỄN “VỀ NGUỒN”

Tối ngày 29/8/2023 vừa qua, tại Cung văn hóa lao động Việt Nhật – thành phố Hạ Long đã diễn ra một sự kiện vô cùng đặc biệt. Chương trình nghệ thuật và công bố tác phẩm sân khấu “Về nguồn” do tác giả Lê Chính – một đạo diễn tài ba và gạo cội trong giới nghệ thuật, chi hội trưởng chi hội sân khấu Quảng Ninh – tự tay viết kịch bản và đạo diễn với sự kết hợp của âm nhạc Quang Hiệp, biên đạo múa Nhật Trường, trong lời lượng 90 phút cùng sự tham gia của gần 50 nghệ sĩ, diễn viên, là các nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ vùng mỏ và đội ngũ diễn viên trẻ của Quảng Ninh, trong đó có nhiều diễn viên nhỏ tuổi. Chương trình đã để lại những dư âm và cảm xúc khó phai đối với khán giả có mặt tại đây…

Tác giả Lê Chính giới thiệu mở màn tác phẩm
Tác giả Lê Chính giới thiệu mở màn tác phẩm

Đạo diễn Lê Chính sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo ở Hải Dương. Năm 1972, khi mới 19 tuổi, tốt nghiệp diễn viên cải lương Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội), Lê Chính  xung phong vào Đoàn Văn công giải phóng miền Nam.

Từ năm 1972 đến 1975, ông cùng đoàn đi biểu diễn hầu khắp các chiến trường Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, đem lời ca tiếng hát của mình động viên cán bộ, chiến sĩ chiến đấu và chiến thắng. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông ở lại làm diễn viên cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.

Tuy nhiên, nỗi nhớ quê hương đã kéo ông quay trở về miền Bắc. Từ cuối năm 1976, ông trở về Quảng Ninh trở thành diễn viên trụ cột của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Quảng Ninh. Từ năm 1986, nghệ sĩ Lê Chính học cử nhân đạo diễn tại Đại học Sân khấu Hà Nội.

Ông lần lượt đảm nhiệm các vị trí Phó Trưởng Đoàn Nghệ thuật Cải lương Quảng Ninh, đạo diễn của Đoàn Kịch Quảng Ninh, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh.

Sự nghiệp của nghệ sĩ Lê chính chủ yếu ở lĩnh vực đạo diễn hơn là một diễn viên. Theo đánh giá của giới chuyên môn, ông là đạo diễn có tài biến những kịch bản bình thường thành những vở diễn hấp dẫn. Kịch của Lê Chính hấp dẫn ở những tình huống gay cấn, những tính cách nhân vật độc đáo. Ông đã dàn dựng biểu diễn hàng trăm vở kịch ngắn kịch dài chương trình ca múa nhạc.

Các vở diễn tiêu biểu của đạo diễn Lê Chính gồm: “Có một đêm như thế” (tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc năm 1993), “Cái chết đang đến gần” (tham gia hội diễn chống tệ nạn xã hội khu vực phía Bắc năm 1994), “Lỗi tại chính tôi” (tham gia hội thi tuyên truyền viên trẻ toàn quốc năm 1994), “Người còn lại năm 1936” ( tham gia sân khấu kịch toàn quốc năm 1996), “Chuyện tôi về bản” (tham gia hội diễn toàn quân năm 1997), “Ma rừng ma mo” (tham gia hội thi tuyên truyền viên toàn quốc năm 1998) .v.v.

Múa dân gian đương đại Hạ Long một dáng thần tiên
Các nghệ sĩ biểu diễn múa dân gian đương đại “Hạ Long một dáng rồng tiên” trong tác phẩm.

Trong đó, nhiều vở diễn của đạo diễn Lê Chính đã đoạt huy chương vàng, bạc và giải thưởng các loại. Ông đã nhận được 1 huy chương vàng, 3 giải nhất, 2 giải xuất sắc nhiều giải A, giải B, giải C tại các hội diễn sân khấu vùng duyên hải, hội diễn của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhiều bằng khen của các bộ, ngành trung ương. Ông được UBND tỉnh phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Vùng mỏ.
Đạo diễn Lê Chính còn làm đạo diễn, sáng tác kịch bản sân khấu cho nhiều cơ quan, đơn vị doanh nghiệp. Kịch bản “Bông hoa màu da cam” của ông được Đoàn Kịch Quảng Ninh dàn dựng năm 1998 đã đem lại tiếng vang trong làng sân khấu phía Bắc nhiều năm sau đó.

Mới đây, tối 29/8/2023 tại Cung văn hóa lao động Việt Nhật – thành phố Hạ Long – với tâm huyết của cả cuộc đời hoạt động cống hiến vì nghệ thuật, với tình yêu dành cho quê hương thứ hai nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, để ca ngợi và phát huy giá trị truyền thống “kỷ luật đồng tâm” nét văn hoá tiêu biểu của vùng đất mỏ anh hùng. Đạo diễn Lê Chính đã cùng với gần 50 nghệ sĩ, diễn viên thực hiện thành công chương trình nghệ thuật và công bố tác phẩm sân khấu “Về nguồn”. Đặc biệt trong số đó có sự tham gia của mười hai thành viên đến từ ba thế hệ của gia đình đạo diễn Lê Chính, từ vợ cho đến các con cháu. Tác phẩm đã khiến người xem bị lôi cuốn với những sự sáng tạo mới về cấu trúc kịch bản cũng như cách phối hợp đặc sắc giữa nghệ thuật sân khấu và nghệ thuật múa.

Tác phẩm mang lại sự gắn kết giữa nhiều thế hệ
Tác phẩm mang lại sự gắn kết giữa nhiều thế hệ

Ngoài yếu tố nghệ thuật, tác phẩm cũng đã mang lại những cảm xúc khó phai cho khán giả bởi nội dung, sự chân thực về một thời đạn bom, một thời hòa bình, về những hình ảnh bình dị và gần gũi nhất gắn liền với tuổi thơ và cuộc đời của biết bao con người, để ai cũng thấy mình trong đó. Tác phẩm đưa người xem xuôi theo chiều dài lịch sử, chứng kiến biết bao những đổi thay, hiểu thêm và góp phần gìn giữ những giá trị nền tảng văn hóa của vùng đất mỏ Quảng Ninh nói riêng – dân tộc Việt Nam nói chung, không bị đồng hóa bởi nghệ thuật ngoại lai, giúp gắn kết các thế hệ và mang lại những giá trị tích cực. Diễn trên sân khấu nhưng lại truyền cảm và tác động đến đời thường.


Sau chương trình, tác phẩm vẫn để lại rất nhiều dư âm cho khán giả. Trở thành đề tài thú vị trong bữa cơm của nhiều gia đình hay buổi café của những người yêu nghệ thuật. Có thể nhận thấy rằng, mặc dù ở thời đại bùng nổ thông tin với muôn vàn loại hình giải trí trên các nền tảng mạng xã hội, con người ta vẫn luôn khao khát được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật chân chính. Giống như một món ẩm thực tinh hoa được chế biến cầu kỳ và kỹ lưỡng bởi tâm huyết của những đầu bếp tài năng. Chỉ cần nếm một chút, dư vị cũng khó phai, lấp đầy các giác quan và trở thành ký ức không thể nào quên. Mong rằng trong tương lai, công chúng yêu nghệ thuật tại Quảng Ninh nói riêng, và trên cả nước nói chung, sẽ tiếp tục được thưởng thức thật nhiều những chương trình đặc biệt như vậy từ những đạo diễn, nghệ sĩ tâm huyết với nghề.

Thế giới đang ngày càng biến đổi, càng biến đổi ta càng phải gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc mình. Bởi chỉ có văn hóa mới làm cho con người ta danh giá và cao quý! – trích lời tác giả Lê Chính

Hải Long

Những tin tức khác có thể bạn quan tâm: