Tối 14/5, nhóm nhạc nam B.O.F gồm 5 thành viên: Jun Phạm, BB Trần, S.T Sơn Thạch, Bùi Công Nam và Kay Trần đã chính thức trình làng MV debut mang tên No Fair. Đây là dự án âm nhạc đánh dấu sự tái xuất của 5 gương mặt nổi bật từng tham gia chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. Dù chưa debut chính thức trước đó, nhóm đã gây chú ý khi phát hành MV Tết cho một nhãn hàng và nhanh chóng sở hữu lượng fan hùng hậu nhờ danh tiếng cá nhân của từng thành viên.

Tuy nhiên, ngay từ khi công bố dự án, B.O.F đã vướng vào không ít tranh cãi, từ cách quản lý, quảng bá cho đến định hướng hình ảnh. Đến khi MV No Fair chính thức lên sóng, những luồng ý kiến trái chiều càng bùng nổ.
No Fair là sáng tác của chính thành viên Bùi Công Nam, mang màu sắc Rap – R&B với phần lời kể về một chàng trai yêu đơn phương, dốc lòng nhưng chỉ nhận lại sự thờ ơ. Dù giai điệu sôi động, dễ nghe và có phần hiện đại, nhưng phần lời bị đánh giá là “gượng ép bắt trend”, có phần gượng gạo, “cringe” khi được thể hiện bởi các nghệ sĩ đã ngoài 30 tuổi. Một số câu như “Ngày em đồng ý trái tim anh cứ ngẩn ngơ như một gã khờ”, “Thắng làm vua, còn thua thì làm nũng”… bị cho là thiếu tinh tế và không phù hợp với hình ảnh người trình bày.

Bên cạnh đó, giai điệu No Fair cũng bị nhận xét là hao hao Bống Bống Bang Bang – bản hit từng làm nên tên tuổi của Jun Phạm và S.T khi còn hoạt động trong 365daband. Sự pha trộn giữa EDM hiện đại và âm hưởng dân gian tuy ý tưởng mới mẻ, nhưng khi đặt trong bối cảnh một MV mang màu sắc Kpop lại trở nên lạc quẻ và thiếu kết nối.
Về phần hình ảnh, MV mang đến tạo hình táo bạo khi mỗi thành viên hoá thân thành một “phản diện” với tạo hình rực rỡ, trang điểm đậm và phong cách thời trang nổi loạn. Dù có dụng ý kể về “góc khuất” của các nhân vật, nhưng phần thể hiện bị cho là thiếu chiều sâu, khiến người xem không cảm nhận được thông điệp cụ thể.
Sự đầu tư mạnh tay của B.O.F trong dự án debut là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên sản phẩm lại vấp phải hàng loạt chỉ trích. Nhiều ý kiến cho rằng nhóm đang cố áp dụng công thức cũ kỹ của Kpop vào thị trường Việt – nơi khán giả đang ngày càng khắt khe và yêu cầu tính mới mẻ, phù hợp hơn với văn hoá và thị hiếu nội địa. Thậm chí, một số khán giả so sánh MV này với “thảm họa Pickleball” của Đỗ Phú Quý – một phép so sánh không mấy tích cực.
Màn ra mắt không mấy suôn sẻ của B.O.F cho thấy bài toán xây dựng nhóm nhạc nam ở Việt Nam vẫn còn nhiều thử thách. Dù sở hữu những tên tuổi lớn, nhưng nếu không tìm được công thức phù hợp, sản phẩm âm nhạc dễ dàng bị khán giả quay lưng.
Ninh Phạm